Chủ nhà trọ thu tiền điện cao có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Hỏi: Xin chào các anh chị luật sư. Em đang là sinh viên, hiện nay đang học đại học tại Hà Nội và em mới ra ở trọ. Chủ nhà trọ đang thu của em hàng tháng là 5000 đồng/số. Em có nghe nói, nếu chủ nhà trọ thu tiền điện đối với sinh viên mà cao hơn mức giá quy định của Nhà nước thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và phải điều chỉnh lại mức thu tiền điện. Vậy em muốn hỏi, thông tin đó có đúng không ạ.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật TNHH Ánh Trọng Tín. Nội dung câu hỏi của bạn chúng tôi nghiên cứu và đưa ra hướng trả lời như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Thông tư 16/2014/TT-BCT;

– Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi, bổ sung thông tư 16/2014/TT-BCT về thực hiện giá bán điện;

– Nghị định 134/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

2. Luật sư tư vấn:

Giá bán điện trong trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà được quy định tại Khoản 5, Điều 1, Thông tư 25/2018/TT-BCT như sau:

Trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình):

– Đối với trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà);

– Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 – 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.

Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì Bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn; cứ 04 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt, cụ thể: 01 người được tính là 1/4 định mức, 02 người được tính là 1/2 định mức, 03 người được tính là 3/4 định mức, 04 người được tính là 1 định mức. Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.

Bên bán điện có quyền kiểm tra, yêu cầu bên mua điện xuất trình sổ đăng ký tạm trú hàng tháng để xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện.

Căn cứ theo bảng giá điện, nếu tính cả thuế VAT thì người thuê nhà sẽ đóng tiền điện không cao quá 2 300 đồng/ kWh. Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện nay, bạn là người thuê nhà và đang phải đóng tiền điện là 3 500 đồng/ kWh, thì khi đó, người cho thuê nhà đang có hành vi vi phạm pháp luật về việc sử dụng điện.

2. Xử phạt đối với hành vi vi phạm về sử dụng điện

Khoản 6 và khoản 12 Điều 12 Nghị định 134/ 2013/ NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về sử dụng điện:

  1. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định cho trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt.
  1. Ngoài các hình thức xử phạt hành chính, các nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

b) Buộc nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền bất hợp pháp có được đối với hành vi quy định tại Khoản 6 và Khoản 7 Điều này;

Do đó, nếu người chủ nhà trọ có hành vi thu tiền điện của người thuê nhà có hơn giá quy định thì người đó bị xử phạt vi phạm hành chính từ 7 000 000 đồng đến 10 000 000 đồng, bên cạnh đó, toàn bộ số tiền chênh lệch với giá quy định sẽ buộc nộp ngân sách nhà nước. Nếu bạn muốn tố cáo hành vi của người chủ nhà, bạn cần chuẩn bị đầy đủ những tài liệu, chứng cứ chứng minh trên thực tế, người này có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực như thông báo nộp tiền nhà hàng tháng có ghi rõ số điện sử dụng và tổng tiền điện phải trả,… Để không bị xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi này, người cho thuê nhà cần phải điều chình lại mức thu tiền điện theo đúng quy định của pháp luật.

3. Giá bán điện theo thời gian sử dụng trong ngày

* Thời gian sử dụng điện trong ngày được quy định như sau:

a) Giờ bình thường:

– Gồm các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy

+ Từ 04h00 đến 09h30 (5 giờ và 30 phút);

+ Từ 11h30 đến 17h00 (5 giờ và 30 phút);

+ Từ 20h00 đến 22h00 (2 giờ).

– Ngày Chủ nhật

Từ 04h00 đến 22h00 (18 giờ).

b) Giờ cao điểm:

– Gồm các ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy

+ Từ 09h30 đến 11h30 (2 giờ);

+ Từ 17h00 đến 20h00 (3 giờ).

– Ngày Chủ nhật: không có giờ cao điểm.

c) Giờ thấp điểm:

Tất cả các ngày trong tuần: từ 22h00 đến 04h00 sáng ngày hôm sau (6 giờ).

* Đối tượng áp dụng giá bán điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày (sau đây gọi là hình thức ba giá) gồm:

– Bên mua điện sử dụng cho mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được cấp điện qua máy biến áp chuyên dùng từ 25 kVA trở lên hoặc có sản lượng điện sử dụng trung bình ba tháng liên tục từ 2.000 kWh/tháng trở lên;

– Đơn vị bán lẻ điện tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp;

– Đơn vị mua điện để bán lẻ điện ngoài mục đích sinh hoạt tại tổ hợp thương mại – dịch vụ – sinh hoạt;

Khuyến khích mua điện theo hình thức ba giá đối với bên mua điện sử dụng điện vào mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có máy biến áp hoặc sản lượng điện sử dụng dưới mức quy định tại Điểm a Khoản này. Bên bán điện có trách nhiệm tạo điều kiện, hướng dẫn để bên mua điện được lắp công tơ ba giá.

Bên bán điện phải chuẩn bị đủ công tơ đo đếm điện để lắp đặt cho bên mua điện thuộc đối tượng áp dụng hình thức ba giá. Trong thời gian bên bán điện chưa có điều kiện lắp đặt được công tơ ba giá thì áp dụng giá bán điện theo giờ bình thường.

– Trường hợp bên bán điện có đủ điều kiện lắp đặt công tơ ba giá, đã có thông báo trước bằng văn bản cho bên mua điện thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng hình thức ba giá về kế hoạch lắp đặt công tơ ba giá, bên mua điện phải phối hợp với bên bán điện để thực hiện việc lắp đặt công tơ ba giá trong thời gian sớm nhất.

– Trường hợp bên mua điện thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng hình thức ba giá nhưng từ chối thực hiện việc lắp đặt công tơ ba giá khi đã được bên bán điện thông báo hai lần (có xác nhận của đại diện khách hàng và thời gian tối thiểu giữa hai lần thông báo là 10 ngày) thì sau 15 ngày kể từ ngày thông báo cuối cùng, Bên bán điện được áp dụng giá bán điện giờ cao điểm cho toàn bộ sản lượng điện tiêu thụ của bên mua điện cho đến khi lắp đặt công tơ ba giá.

– Trường hợp bên mua điện thuộc đối tượng áp dụng hình thức ba giá, nhưng có các tổ chức, cá nhân dùng chung công tơ không thuộc đối tượng áp dụng hình thức ba giá, bên mua điện phải phối hợp với bên bán điện để tách riêng công tơ cho các tổ chức, cá nhân này thành khách hàng sử dụng riêng để ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp và áp giá theo đúng đối tượng sử dụng.

– Trường hợp bên mua điện sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng áp dụng hình thức ba giá quy định tại khoản 2 Điều này thì áp dụng giá bán điện theo giờ bình thường.

4. Nguyên tắc xác định giá bán buôn điện và điều kiện áp dụng giá bán buôn điện

– Đơn vị bán lẻ điện tại khu vực nông thôn, khu tập thể, cụm dân cư, tổ hợp thương mại – dịch vụ – sinh hoạt, chợ, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

+ Có Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ điện được cơ quan có thẩm quyền cấp, trừ các trường hợp được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 34 Luật Điện lực;

+ Có sổ sách kế toán theo quy định, trong đó phần kinh doanh bán lẻ điện phải được hạch toán tách biệt với các hoạt động kinh doanh khác;

+ Có hợp đồng mua bán điện và công tơ đo đếm điện lắp đặt cho từng hộ sử dụng điện theo quy định tại Điều 24 Luật Điện lực và Khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;

+ Có phát hành hoá đơn tiền điện theo quy định của Bộ Tài chính cho từng khách hàng sử dụng điện theo từng kỳ thanh toán được quy định trong hợp đồng mua bán điện.

– Đối với đơn vị bán lẻ điện không đáp ứng đủ các điều kiện quy định trên , Tổng công ty điện lực hoặc các Công ty điện lực trực thuộc có trách nhiệm báo cáo Sở Công Thương trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định để bàn giao lưới điện thuộc phạm vi quản lý của đơn vị này cho Tổng công ty điện lực hoặc các Công ty điện lực trực thuộc để bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện.

Trên đây là ý kiến tư vấn pháp luật của chúng tôi. Mọi thắc mắc xin liên hệ tới Hotline: 0824096999 hoặc gửi vào Email: vplsanhtrongtin@gmail.com để gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp các dịch vụ khác. Chúng tôi rất mong được các câu hỏi tư vấn và ý kiến đóng góp của các bạn.

Xin chân thành cảm ơn!